VNIndex có thể tiến lên vùng 1.170 - 1.180 trong tháng 7?

TTCK Việt Nam ở mức cao trong khu vực và đi lên nhờ chính sách

Hàng loạt chính sách hỗ trợ đã được ban hành kể từ tháng 3/2023 nhằm tháo gỡ những khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải, như Nghị định 08 cho phép kéo dài thời hạn trả nợ Trái phiếu doanh nghiệp, Quyết định 235 thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…tạo bước đệm giúp TTCK vận động khởi sắc hơn trong quý II/2023.

Trong tháng 6, TTCK Việt Nam giữ vững đà tăng khi tiếp tục nhận được động lực từ quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của NHNN. Chỉ số VNIndex kết phiên ngày 30/6 ở ngưỡng 1.120,2 điểm, tăng 4,2% so với tháng 5 và tăng 11,2% từ đầu năm.

image
TTCK Việt Nam vượt trội so với các TTCK khu vực Đông Nam Á

Trong 6 tháng đầu năm 2023, VNIndex +11,2%, vượt trội so với một số chỉ số chính trong khu vực Đông Nam Á và ngang bằng với chỉ số chung của các thị trường mới nổi (MSCI EM Index +11,65%). Theo dữ liệu thống kê trong quá khứ, các chuyên gia SSI Research cho rằng diễn biến của chỉ số vào nửa sau của năm có khả năng chậm lại.

Các nhóm cổ phiếu chu kỳ như: Vật liệu, Năng lượng, Tài chính là các nhóm tăng tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng như phục hồi mạnh nhất từ mức đáy. Bên cạnh đó, những nhóm có câu chuyện hỗ trợ riêng hay triển vọng tăng trưởng kết quả kinh doanh ổn định (Y tế, Công nghệ thông tin) hòa nhịp vào xu hướng hồi phục chung của cả thị trường. Ngược lại, Tiêu dùng là nhóm có sức bật yếu nhất giữa bối cảnh sức mua yếu trước tác động của lạm phát và lãi suất tăng cao.

Đi cùng với các chính sách hỗ trợ hồi phục kinh tế là kỳ vọng bức tranh vĩ mô sẽ xuất hiện nhiều gam màu sáng hơn trước. Đặc biệt khi xu hướng tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn chậm lại và mặt bằng lãi suất tiền gửi trong nước bắt đầu giảm, hoạt động của nhóm NĐT cá nhân trong nước cũng trở nên sôi động hơn. Điều này có thể nhìn thấy một phần qua số lượng tài khoản tăng thêm trong tháng 5 là 105 nghìn, gấp 4,6 lần so với tháng trước. Kết quả là, nhóm này liên tục mua ròng từ giữa tháng 3 và trở thành lực đỡ chính của thị trường với tổng giá trị mua ròng 9,5 nghìn tỷ đồng khớp lệnh trong quý 2.2023.


GTGD toàn thị trường cải thiện rõ rệt trong cùng giai đoạn nhưng vẫn thấp hơn mức cùng kỳ

Thanh khoản toàn thị trường cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong cùng giai đoạn. Gía trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn liên tục gia tăng từ tháng 3 và đạt 19,8 nghìn tỷ đồng/phiên vào tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch trung bình đạt 13,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn giảm lần lượt 40% và 46% so với cùng kỳ năm 2021 và 2022.

Khối ngoại đi ngược xu hướng với khối cá nhân trong nước. Cụ thể, khối ngoại bán ròng tháng thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên thu hẹp đáng kể còn 362 tỷ đồng trên sàn HoSE trong tháng 6. Tháng 4 và tháng 5 với tổng mức bán ròng 5,7 nghìn tỷ đồng.

Dẫn đầu chiều bán ròng là VNM, VPB và VRE trong khi mua ròng nhiều nhất ở HPG, SSI, VND. Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại vẫn duy trì ở mức thấp quanh 8% trên sàn HoSE do sự tham gia đông đảo trở lại của khối cá nhân. Có thể thấy, sau khi đẩy mạnh mua ròng 26,8 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, khối ngoại có xu hướng bán ra chốt lời với GT bán ròng 302 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên điểm sáng ghi nhận ở nhóm Thép và nhóm Chứng khoán với HPG và SSI được mua ròng tương ứng gần 5 nghìn tỷ đồng và 1,3 nghìn tỷ đồng.

Thị trường vẫn còn nhiều cơ hội nhưng sẽ gia tăng biến động và có tính chọn lọc cao.

Ở biểu đồ trung hạn, sau khi vượt lên đường EMA 200 tại 1.116, VNIndex tiếp tục duy trì trên đường EMA này ở tuần thứ 3 liên tiếp. Các chỉ báo kỹ thuật như ADX, RSI tiếp tục thể hiện tín hiệu tích cực. Tốc độ tăng trưởng trên chỉ số duy trì vừa phải do chỉ báo ADX chưa đạt chuẩn sóng tăng mạnh của xu hướng.

image
Biểu đồ kĩ thuật chỉ số VNIndex

Các chuyên gia kỳ vọng, chỉ số có thể sẽ chinh phục mục tiêu 1.150 - 1.156 để tiến lên các mốc điểm số cao hơn tại vùng 1.170 - 1.180 trong chu kỳ tăng trưởng tháng 7.

Nhìn chung, TTCK Việt Nam đang bước vào chu kỳ chuyển động tích cực hơn chủ yếu do động lực phục hồi từ vùng đáy, được dẫn dắt bởi một loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ. Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức do tác động từ sự suy yếu của các nền kinh tế lớn, tiêu dùng trong nước chậm và đầu tư được chọn làm động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.

image
Tăng trưởng lợi nhuận theo quý và diễn biến thị trường

1 Likes