Sau mùa KQKD quý III, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp cũng dần hé lộ. Với phép so sánh cùng kỳ truyền thống, chắc hẳn chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều báo cáo nhấn mạnh sự suy giảm KQKD đã thu hẹp dần, nói một cách dân dã thì là “bớt âm” đi theo quý. Tuy vậy đã nhắc tới từ đầu năm, cả năm 2023 này nếu bạn đọc báo cáo tài chính theo chiều ngang sử dụng phép %YoY, gần như sẽ rất dễ việt vị. Việc nền kinh doanh của các doanh nghiệp bắt đầu suy yếu từ giữa quý III năm ngoái và tạo nền KQKD rất thấp trong 2 quý cuối năm (và đặc biệt là quý IV 2022), chúng ta nhìn thấy việc KQKD của Quý I, II, III năm nay sẽ có tăng trưởng so với cùng kỳ thu hẹp đà giảm là điều hiển nhiên dù không cần sự hồi phục đáng kể nào theo quý. Và ngay cả khi quý IV lại là 1 quý thất vọng, thì con số YoY khô khan nói kia gần như chắc chắn sẽ đổi màu xanh lá mộng mơ, khác với sự gập ghềnh trong hồi phục của nền kinh tế.
Tuy nhiên nhìn theo cách của StockLine với những số tuyệt đối đơn sơ, chúng ta có thể thấy mặt dù tạo “vùng khó khăn nhất” vào quý IV 2022, nhưng sự hồi phục sau đó phải nói là đáng thất vọng. Đâu đó cũng trùng khớp với bức tranh tăng trưởng kinh thế ảm đạm vừa qua. Trong quý III, theo thống kê sơ bộ của StockLine, khối Ngân hàng có mức suy giảm lợi nhuận 6% so với quý trước. Tuy nhiên tính chu kỳ của ngành thường thể hiện qua cả chất lượng tài sản nếu muốn đánh giá kỹ lưỡng hơn, là những nốt trầm chưa sớm bỏ qua được từ sự khó khăn chung của ngành BĐS. Nhóm cổ phiếu khác, ngoài Ngân hàng, có biến động hàng quý rõ nét hơn đã cho thấy mặt bằng lợi nhuận thậm chí còn đang kém hơn cả năm 2019 trước khi dịch Covid 19 bùng phát. Sự hồi phục chững lại từ quý II và bắt đầu chậm đi đáng kể trong quý III với mức giảm 7.6% so với quý trước. Điều này khiến cho những kỳ vọng xa xôi của nhà đầu tư về việc hồi phục lợi nhuận chưa đến ngay tại thời điểm này.
Trở lại với câu chuyện thị trường, từ Báo cáo chiến lược (BCCL 2H2023) của StockLine, chúng tôi đã nhận thấy bối cảnh thị trường tăng giảm nhờ các yếu tố kỳ vọng, đâu đó có những sự xa rời thực tại. Nếu VNINDEX là một phép nhân giữa các biến số định giá và nền tảng lợi nhuận, thì quý II là quý không có sự thay đổi về lợi nhuận, mức tăng giá đến từ sự “vui mừng” và phấn khởi của nhà đầu tư thể hiện ở biến số định giá. Ngược lại sự suy giảm sau đó trong quý III, dù không đáng kể và việc giảm 1 chữ số không làm thay đổi quá nhiều phép nhân nói trên, nhưng sự kỳ vọng về lại mặt đất khiến các biến số định giá nguội đi chóng mặt.
Về lại mặt đất, cũng có nghĩa là trở lại phù hợp với bức tranh thực tế hiện tại. Dù sao đi nữa, chúng ta đã ở một mặt bằng kinh doanh thấp quý thứ 4 liên tiếp, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua khi nền kinh tế êm đềm trên chuyến tàu tăng trưởng. Dư địa chính sách còn, hành động thì cũng “đã, đang”, nhưng thể hiện lên nền kinh tế vẫn đang ở thì tương lai. Nói một cách vui tính trong ngày thị trường thuận lợi, người cầm tiền sẽ thấy là bức tranh chán chường của nền kinh tế, người cầm cổ sẽ gọi vắn tắt 4 quý vừa qua là…. Low base.