Phong cách đầu tư của Fisher có thể được gói gọn trong một câu đơn giản:
“Mua và nắm giữ dài hạn những cổ phiếu chất lượng. Quan trọng hơn cả là cổ phiếu đó phải có động lực tăng trưởng trong dài hạn”
Với tư cách là một nhà đầu tư tăng trưởng, ông cực kỳ thích những doanh nghiệp còn non trẻ và có triển vọng tăng trưởng lớn mà không quá đặt nặng vấn đề định giá. Vì theo ông: “Những công ty nhỏ có tốc độ tăng trưởng cao đem lại khả năng sinh lời cực kỳ lớn. Đôi lúc có thể tới hàng nghìn % trong một thập kỷ.”
Dưới đây mình xin trích lại 8 triết lý đầu tư của Philip Fisher được ông nhắc tới trong cuốn “Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường”
(Hình thành qua hơn nửa thế kỷ từ kinh nghiệm kinh doanh của chính bản thân ông)
-
Mua cổ phiếu của công ty có các kế hoạch chặt chẽ để đạt được sự tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn và có các tiêu chí về vốn nhằm tạo rào cản với những người mới khi muốn tham gia cạnh tranh vào lĩnh vực tăng trưởng đó.
-
Tập trung vào cổ phiếu của các công ty khi chúng không được ưa chuộng.
-
Nắm giữ cổ phiếu cho đến khi a) có sự thay đổi cơ bản về bản chất công ty (ví dụ thay đổi nhân sự làm cho bộ máy quản lý bị suy yếu), hoặc b) nó phát triển tới một mức mà không còn phát triển nhanh hơn nền kinh tế nói chung.
-
Những cơ hội hấp dẫn nhất có khả năng xảy ra ở những nơi sinh lợi cao nhưng thuộc các nhóm cổ tức thấp hoặc không hề trả cổ tức. Những cơ hội đặc biệt rất ít khi xảy ra ở các công ty trả cho cổ đông tỷ lệ phần trăm lợi nhuận cao.
-
Mắc sai lầm là một chi phí tất yếu khi đầu tư để đạt được lợi nhuận lớn, cũng như các khoản nợ xấu là điều không thể tránh khỏi, thậm chí ở các công ty hoạt động tốt nhất và các tổ chức cho vay sinh lợi nhất. Điều quan trọng là nhận ra những sai lầm đó ngay khi có thể, hiểu nguyên nhân và học cách tránh lặp lại chúng.
-
Rất ít công ty thật sự có giá trị nổi bật. Cổ phần của công ty đó thường không thể mua được ở mức giá hấp dẫn. Bởi vậy, khi giá ở thời điểm thuận lợi nhất, hãy tận dụng tối đa tình thế đó. Việc nắm giữ bất kỳ danh mục đầu tư nào có trên 20 loại cổ phiếu khác nhau là một dấu hiệu không khôn ngoan về tài chính.
-
Cần có sự can đảm cần thiết để “đối lập với số đông” khi nhận định của bạn chỉ ra rằng bạn đúng.
-
Đối với việc quản lý các cổ phiếu thường, cũng như trong mọi hoạt động của con người, thành công phần lớn phụ thuộc vào sự kết hợp giữa làm việc chăm chỉ, trí thông minh và tính trung thực.
Trong khi vận may chỉ là một phần trong việc quản lý các danh mục đầu tư về cổ phiếu thường, sự may mắn có xu hướng phân bổ đều. Muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có kỹ năng và sự kiên trì áp dụng các nguyên tắc vững chắc mà tôi đã đề cập. Trong giới hạn tám điểm chính ở trên, tôi tin rằng tương lai chủ yếu sẽ thuộc về những người có tinh thần kỷ luật tốt, từ đó nỗ lực đạt được mục đích của mình.
(Trích từ Sách Cổ phiếu thường lợi nhuận phi thường)