Chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm trong tháng 6. Sau khi tăng 2,5% trong tháng 5, VN-Index đã kéo dài đà tăng với mức tăng 4,2% trong tháng 6. Đà hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6 được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ nới lỏng (NHNN giảm lãi suất điều hành vào ngày 23/5 và 16/6) và chính sách tài khóa mở rộng (Quốc hội thông qua giảm thuế GTGT vào ngày 24/6 và Bộ Tài chính công bố giảm 36 loại phí, có hiệu lực từ 1/7 đến 31/12/2023). Trong tháng 6, chỉ số VN-Index tăng 11,2% so với đầu năm, vượt trội so với các chỉ số trong khu vực như SET của Thái Lan (-9,9%), JCI của Indonesia (-2,8%) và PCOMP của Philippines (-1,5%).
Tất cả các ngành đều tăng điểm; Dịch vụ Tài chính tiếp tục xu hướng tăng . Ngành Vật liệu ghi nhận mức tăng mạnh nhất (+13,2% trong tháng 6), chủ yếu được dẫn dắt bởi HPG (+23,3%) và DGC (+19,0%). Tiếp theo là ngành Y tế (+10,6%) được hỗ trợ chính bởi DHG (+16,7%). Trong khi đó, ngành Dịch vụ Tài chính (không bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản) tiếp tục tăng tăng 7,6% trong tháng 6 (sau khi đã tăng 13,5% trong tháng 3, 3,7% trong tháng 4 và 13,8% trong tháng 5) với phần lớn các mã trong ngành đều tăng điểm.
Thanh khoản đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Giá trị giao dịch trung bình ngày (GTGDTB) của HSX và trên tổng cả 3 sàn tăng mạnh đạt lần lượt 723,5 triệu USD (+38,4% so với tháng 5 & +15,8% so với cùng kỳ) và 843,8 triệu USD (+36,2% so với tháng 5 & +12,0% so với cùng kỳ), mức cao nhất trong 14 tháng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng tháng thứ ba liên tiếp. NĐTNN bán ròng 15,4 triệu USD trên sàn HSX và 16,6 triệu USD trên tổng cả 3 sàn trong tháng 6 (sau khi bán ròng 132,4 triệu USD trong tháng 5 và 61,1 triệu USD trong tháng 4). Các mã bị bán ròng mạnh nhất trong tháng 6 là VNM (-64,6 triệu USD), VPB (-26,4 triệu USD) và VRE (-21,6 triệu USD). Trong khi đó, NĐTNN mua ròng chủ yếu HPG (83,1 triệu USD), SSI (31,0 triệu USD) và VND (26,1 triệu USD). Trong nửa đầu năm 2023, NĐTNN đã mua ròng 88,6 triệu USD trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. NĐTNN cũng mua ròng 1,1 tỷ USD trên sàn JCI của Indonesia. Tuy nhiên, NĐTNN đã bán ròng 3,1 tỷ USD trên SET của Thái Lan và 467 triệu USD trên PCOMP của Philippines.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp trong quý 2/2023; chỉ số PMI & số liệu nhập khẩu báo hiệu khả năng phục hồi xuất khẩu chậm hơn kỳ vọng. Theo Tổng cục Thống kê, GDP cả nước tăng 4,14% so với cùng kỳ trong quý 2 (cao hơn so với mức 3,28% của quý 1/2023) và tăng 3,72% trong nửa đầu năm 2023, đây là mức tăng trưởng quý 2 và 6 tháng đầu năm thấp thứ hai kể từ năm 2011. Ngoài ra, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong tháng 6 đạt 46,2 mức thấp thứ hai sau giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19 (giai đoạn kể từ sau tháng 10/2021).
Triển vọng: Chỉ số PMI và dữ liệu nhập khẩu của tháng 6 cho thấy khả năng phục hồi xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung có thể bị chững lại. Tuy nhiên, môi trường lãi suất thấp hơn,bên cạnh các chính sách hỗ trợ tài khóa có hiệu lực từ 01/7 sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực của nhu cầu toàn cầu yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu và sản xuất trong nước. Ngoài ra, KQKD 2/2023 có thể tạo ra sự phân hóa giữa các cổ phiếu trên thị trường trong nửa cuối tháng 7. Tại thời điểm cuối tháng 6, chỉ số P/E trượt của VN-Index là 15,3 lần so với PCOMP của Philippines là 13,8 lần, JCI của Indonesia là 14,7 lần và SET Thái Lan là 20,6 lần.