Nguồn lực từ sự minh bạch

Câu hỏi:

Một doanh nghiệp đang tốt thường sẽ không muốn niêm yết. Ban lãnh đạo nắm giữ doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận cao, không bị chi phối, không bị giám sát, làm tốt bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Nếu niêm yết, Ban lãnh đạo thường cố gắng bán đắt, bán với mức giá cao nhất có thể. Không ai muốn bán rẻ tài sản của mình.

Các Nhà đầu tư mua cổ phiếu trên sàn thường không đóng góp trực tiếp cho doanh nghiệp. Các thành quả có được khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng bản chất chỉ là hưởng thành quả từ công sức của Ban lãnh đạo.

Vậy, bước chuyển nào khiến Ban lãnh đạo đưa doanh nghiệp lên sàn để Nhà đầu tư đại chúng cũng có thể được hưởng thành quả từ công sức của Ban lãnh đạo?

Trả lời:

Khi niêm yết, doanh nghiệp có thể bị chi phối, bị giám sát hoặc thậm chí bị thâu tóm. Ban lãnh đạo bắt buộc phải minh bạch và chia sẻ quyền lợi. Từ đó, Ban lãnh đạo thường e ngại trong việc niêm yết và công bố thông tin, đúng như câu hỏi đã nêu. Vấn đề nào cũng có hai mặt và đây là mặt trái.

Nhưng mỗi doanh nghiệp đều có một nguồn lực vô cùng quan trọng không định giá được, đó chính là sự minh bạch. Và Ban lãnh đạo nên nhìn nhận sự minh bạch như là một trong những nguồn lực cốt lõi khi phát triển doanh nghiệp. Sự minh bạch phải xuất hiện trong cả quá trình, không thể chỉ thoáng chốc.

Xuyên suốt quá trình dài hoạt động, các doanh nghiệp sẽ không chỉ gặp thuận lợi, mà còn cả khó khăn. Nếu có sự minh bạch, những khó khăn của doanh nghiệp sẽ có người khác chung tay gánh vác. Và khi thuận lợi, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn mới đi cùng. Doanh nghiệp sẽ không chỉ tăng trưởng 10%, 20% bằng nguồn lực hiện hữu của Ban lãnh đạo, mà không gian tăng trưởng có thể mở rộng nhiều lần. Để có bước chuyển từ sự kiểm soát sang niêm yết, minh bạch và chia sẻ lợi ích đó, Ban lãnh đạo cần tự trả lời được câu hỏi “mình muốn sở hữu 100% doanh nghiệp trị giá 100 đồng, hay sở hữu 60% doanh nghiệp trị giá 1.000 đồng?”.

Tất nhiên, Ban lãnh đạo cũng phải tự đánh giá xem mình có đủ năng lực điều hành một doanh nghiệp trị giá 1.000 đồng hay không. Khi đánh đổi nguồn lực minh bạch, khi có thể trở thành một doanh nghiệp 1.000 đồng, chủ doanh nghiệp buộc phải nâng cao năng lực của mình để đủ khả điều hành doanh nghiệp đó, không có cách nào khác. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp không dám minh bạch thông thường là những doanh nghiệp không dám lớn mạnh, không dám dẫn đầu và không đáng đầu tư.