Trong tuần vừa rồi, thị trường tài chính Mỹ và thế giới nói riêng được 1 phen chao đảo khi tin tức về việc liên tiếp 3 ngân hàng: Silvergate, SVB và Signature tuyên bố phá sản và các khoản tiền gửi khách hàng phải chuyển sang sự quản lý của các cơ quan nhà nước.
Câu chuyện này hẳn sẽ làm nhiều người cảm thấy lo lắng và nhớ về của khủng hoảng tài chính năm 2007-08 khi thị trường tài chính Mỹ sụp đổ và lan ra toàn cầu. Vậy, liệu có thể có sự lặp lại của khủng hoảng 2008 hay không?
Câu trả lời ngắn gọn, từ ý kiến cá nhân cũng như tìm hiểu từ các nhà kinh tế thì nhìn chung là CHƯA RÕ RÀNG VÀO LÚC NÀY.
1. Nhắc lại về cuộc khủng hoảng 2007-08:
Mặc dù có nhiều tranh cãi hay các bất đồng trong quan điểm về nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng 07-08 nhưng nhìn chung, có thể tổng kết 3 nguyên nhân chính như sau
1.1. FED hạ lãi suất xuống thấp trong 1 thời gian dài:
Cuối năm 2001, sau khi lạm phát ở Mỹ bị đẩy lùi và đặc biệt là nỗi lo sợ sau vụ khủng bố 11-9, FED đã tiến hành biện pháp kích cầu, bơm tiền cho nền kinh tế bằng việc hạ lãi suất xuống còn 1% vào giữa năm 2003.
Lãi suất thấp làm cho các khoản vay ngân hàng trở nên dễ dàng hơn, đối tượng có thể tiếp cận các khoản vay này tăng lên nhưng đồng thời cũng làm cho đồng USD mất giá – trong 1 thời gian dài.
1.2. Bong bóng nhà đất:
Trực tiếp từ nguyên nhân 1, việc các khoản vay mua nhà có thể được tiếp cận dễ dàng hơn đã gia tăng nhu cầu vay tiền mua nhà của người dân, thậm chí cả những người ít hoặc không có khả năng trả nợ. Các ngân hàng vẫn thoải mái trong việc cho các đối tượng này vay vì họ cho rằng mình có thể tiến hành tịch thu BĐS để thu hồi nợ khi mà giá nhà đất vẫn đang tăng cao.
Không chỉ có vậy, phần lớn các ngân hàng, các tổ chức tài chính hay môi giới BĐS còn tiến hành các hoạt động trao đổi các khoản nợ của khách hàng cho nhau để lấy tiền đầu tư vào lĩnh vực khác.
Mọi thứ vẫn ổn đến cuối năm 2007, khi giá nhà đất lên đến đỉnh điểm, FED tăng lãi suất trở lại, bong bóng vỡ làm cho giá BĐS giảm nhanh chóng, các tài sản đảm bảo là nhà đất lúc này nhanh chóng mất giá trị, khiến cho các ngân hàng rơi vào vỡ nợ kỹ thuật – có tài sản nhưng không thể chuyển đổi thành tiền, cộng them tâm lý lo ngại của người gửi tiền dẫn tới rút tiền ồ ạt đã làm nhiều ngân hàng mất khả năng thanh toán và dẫn tới phá sản theo hiệu ứng Domino.
2. Hiện nay thì sao?
Nếu đọc các tin tức trên các trang thông tin nước ngoài, tiêu biểu như Investing, chúng ta có thể thấy được việc các cơ quan quản lý Mỹ dường như đang có những biện pháp để giới hạn sự sụp đổ của các ngân hàng ở loại Company-Specific (mang tính đặc thù của từng công ty, kìm hãm đà lan toả sang cả ngành ngân hàng): Tiền gửi của khách hàng được chuyển giao cho các cơ quan quản lý xem xét các thủ tục hoàn trả hay bảo hiểm, tránh hiệu ứng Domino.
Bên cạnh đó, sau cuộc khủng hoảng 07-08, Mỹ đã áp đặt các chính sách nghiêm ngặt hơn về cấu trúc vốn của các ngân hàng nhằm đảm bảo các ngân hàng lớn có nguồn dự trữ đủ trong tình hình suy thoái.
Sau cùng, mặc dù SVB, silvergate hay Signature có quy mô không hề nhỏ, chúng vẫn chưa thể so được với những ngân hàng như JPMorgan, Bank of America, Citibank hay Wells Fargo, cả về tài sản cũng như sự đa dạng trong doanh thu, chừng nào các ngân hàng này còn đứng vững thì vẫn sẽ là trụ cột cho thị trường tài chính Mỹ, tránh được sự lặp lại của cuộc khủng hoảng 07-08