Chương trình họp hôm nay bao gồm các nội dung liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh 2022-2023, cơ cấu nhân sự, cập nhật tiến độ tái cơ cấu cũng như kết quả xử lý khủng hoảng của Novaland trong thời gian qua.
Chiều ngày 22/6, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va ( Novaland, Mã: NVL) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 tại Clubhouse PGA thuộc dự án NovaWorld Phan Thiet (thông Tiến Hòa, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Chương trình họp hôm nay có hơn 10 tờ trình và nội dung quan trọng, bao gồm 6 nội dung liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh 2022-2023, 3 nội dung về cơ cấu nhân sự, cập nhật tiến độ tái cơ cấu cũng như kết quả xử lý khủng hoảng trong thời gian qua.
Theo BCTC hợp nhất 2022 đã kiểm toán, Novaland đạt tổng doanh thu hợp nhất gần 11.151 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ, thực hiện được 30% mục tiêu đề ra. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 2.180 tỷ đồng, giảm 36,85% so với cùng kỳ và tương đương hơn 33% mục tiêu đề ra.
(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).
Tờ trình đại hội cho biết, Novaland đặt kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu thuần 9.531 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 214 tỷ đồng, giảm 14,5% về doanh thu và giảm 90,2% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm 2022.
Theo chia sẻ của ban điều hành, kế hoạch kinh doanh năm nay thật sự thận trọng trong bối cảnh thị trường diễn biến không thuận lợi. Thực tế từ cuối năm ngoái, Novaland đã phối hợp với nhiều đối tác, chuyên gia trong nước và các đơn vị tư vấn như YKVN, Deloitte, E&Y Parthenon, KPMG,… để thực hiện tái cấu trúc toàn diện với những kế hoạch cụ thể: Giãn, hoãn nợ; bán tài sản giảm nợ, chuyển nợ thành cổ phần, thành tài sản, kiểm soát nguồn tiền,…
Trong ba tháng đầu năm nay, Novaland ghi nhận doanh thu trên 604 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 377 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng hơn 1.079 tỷ đồng). Công ty tập trung nguồn lựclàm việc với lãnh đạo địa phương, các đối tác tài chính, nhà thầu thi công để gỡ vướng pháp lý, sớm đưa các dự án vào triển khai xây dựng và một số dự án bước đầu đạt được kết quả.
Cụ thể, các dự án tại trung tâm TP HCM như The Grand Manhattan (quận 1), Victoria Village (TP Thủ Đức) cùng các đại đô thị Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram được tái khởi động dưới sự hỗ trợ của các đối tác tài chính như TPBank, MBBank và các nhà thầu, đơn vị thi công. Trong đó, một số phân khu của dự án Aqua City đã được cấp giấy phép bán hàng trở lại.
Đối với các dự án, phân khu khác, Novaland cho biết các ngân hàng đang khảo sát, xem xét để tài trợ cấp vốn triển khai cuốn chiếu trong thời gian tới.
NovaWorld Phan Thiet có quy mô hơn 1.000 ha và tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Novaland đã và đang nỗ lực làm việc với địa phương và các tổ chức tài chính để tiếp tục phát triển, sớm đưa toàn bộ dự án đi vào vận hành. MBBank là một trong những ngân hàng tham gia cấp vốn cho dự án. (Ảnh: Nguyên Ngọc).
Với tình khó khăn hiện tại, công ty mong muốn giữ lại gần 12.889 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế, không chia cổ tức trong hai năm 2022 và 2023 để có nguồn vốn đối ứng tiếp tục đầu tư cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Công ty đang tiếp tục rà soát các quỹ đất, thoái vốn các quỹ đất chưa được ưu tiên phát triển để giảm nợ và thương lượng, đàm phán thu xếp vốn cổ đông cho các dự án sẽ phát triển trong thời gian tới.
The Kingdom - Phân khu số 9 thuộc dự án NovaWorld Phan Thiet. (Ảnh: Nguyên Ngọc).
Về cơ cấu nhân sự, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua đơn từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của bà Đỗ Thị Phương Lan và ông Nguyễn Trần Đăng Phước, đồng thời tiến hành bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập cho nhiệm kỳ 2021-2026. Bà Đỗ Thị Phương Lan sẽ tham gia vào Hội đồng Cố vấn điều hành của Novaland trong thời gian tới.
Tính đến hiện tại, HĐQT của Novaland gồm: Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT; ông Phạm Tiến Vân, Thành viên độc lập HĐQT và bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Thành viên độc lập HĐQT. Ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng Giám đốc Novaland - là nhân sự được cổ đông đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau khi thay đổi, HĐQT của Novaland sẽ gồm 5 thành viên, trong đó có 3 thành viên HĐQT độc lập.
Đại hội hôm nay cũng sẽ thảo luận nội dung giải thể Tiểu ban Chính sách phát triển; sáp nhập Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Lương thưởng thành Ủy ban Nhân sự và Lương thưởng thuộc HĐQT; thành lập Ủy ban Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) – Quản trị Rủi ro – Quản trị Chiến lược để hỗ trợ hoạt động của HĐQT.
Sau khi sắp xếp, tổ chức lại và thành lập các Ủy ban mới, HĐQT công ty có ba ủy ban trực thuộc: Ủy ban Kiểm toán; lập Ủy ban Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) – Quản trị Rủi ro – Quản trị Chiến lược; Ủy ban Nhân sự và Lương thưởng.
Các Ủy ban này hoạt động theo cơ chế chuyên trách, độc lập và có quyền biểu quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của Ủy ban, thực hiện nhiệm vụ tham vấn cho HĐQT trên cơ sở các tư vấn điều hành của những chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng nhiều quản lý cấp cao từng làm việc tại các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, giúp Novaland hoạt động hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với giai đoạn mới.
Chủ tịch Novaland trải lòng với cổ đông
Phát biểu khai mạc cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào chiều nay (ngày 22/6), ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE: NVL; Novaland) đã có những trải lòng với cổ đông sau những biến động gần đây.
Chủ tịch Tập đoàn Novaland cho biết, năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam. Cơn lốc xoáy vừa qua đã để lại những tổn thất nặng nề và những bài học quý giá đối với ông, cũng như đối với tất cả thành viên của Tập đoàn Novaland.
Đứng trước khủng hoảng chung của thị trường và nền kinh tế, Tập đoàn Novaland cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác, đang bị tác động bởi các yếu tố khách quan, đang đối diện với khó khăn và thanh khoản ngắn hạn.
“Chúng ta đều biết mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại mà chúng ta phải vượt qua”, ông Nhơn nói và đồng thời nhấn mạnh, sau sự cố, Công ty càng nhận thức hơn các hoạt động phải càng gắn liền với trách nhiệm xã hội, phát triển cộng đồng, phù hợp với chiến lược phát triển của Quốc gia.
Do vậy, chiến lược phát triển bền vững sẽ là nền tảng cho việc tái cấu trúc, là định hướng cho Novaland trong những năm tiếp theo. Theo đó, ba trụ cột Môi trường - Xã hội - Quản trị sẽ là trọng tâm cho mọi hoạt động của Novaland nhằm tối đa giá trị vốn hóa công ty, đảm bảo bền vững và hài hòa lợi ích cho các cổ đông, các nhà đầu tư cũng như các bên liên quan.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va trải lòng với cổ đông
Cụ thể, về môi trường, Novaland sẽ gìn giữ, bảo vệ môi trường theo tiêu chí xanh đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu cho các hoạt động thương mại, đầu tư, cấp vốn.
Trong cấu trúc mới, Novaland sẽ chú trọng ngay từ các khâu ban đầu, thiết kế theo xu thế xanh để góp phần chống biến đổi khí hậu, tăng cường sức khoẻ và chất lượng cuộc sống cho cư dân. Đồng thời tăng cường phối hợp với các đối tác trong chuỗi cung ứng về môi trường, tích cực góp phần vào việc thực thi cam kết của Chính phủ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Novaland Group hiện đang hợp tác với các đối tác tiến hành phát triển hai dự án theo tiêu chuẩn xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời theo đuổi các mục tiêu về môi trường trong các dự án khác của mình”, ông Nhơn nói.
Về xã hội, các dự án Aqua City (tỉnh Đồng Nai), NovaWorld Ho Tram (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và NovaWorld Phan Thiet (tỉnh Bình Thuận) sẽ là những đại dự án góp phần phát triển Quốc gia, phát triển địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra hàng trăm ngàn công ăn việc làm góp phần vào an sinh xã hội, tăng nguồn thu ngân sách.
Novaland cũng đã đăng ký tham gia xây dựng 200.000 căn nhà ở xã hội trong chương trình 1.000.000 căn nhà ở xã hội của Chính phủ.
Về quản trị, Novaland sẽ ưu tiên hàng đầu trong việc tái cấu trúc của công ty là sắp xếp lại các khoản nợ và thời hạn trả nợ, ưu tiên giải quyết những vướng mắc và thực hiện những cam kết với khách hàng, tạo dòng tiền mới để hồi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục hoàn thiện xây dựng bàn giao sản phẩm cho khách hàng theo đúng cam kết, tập trung tháo gỡ pháp lý để tháo gỡ dòng tiền, tiến đến chuyên nghiệp hóa quản trị Công ty theo các thông lệ quốc tế tốt cũng như đáp ứng các quy định của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đồng thời, tập trung tăng cường hiệu quả trong quản trị rủi ro, quản trị dòng tiền, minh bạch về thông tin tài chính cũng như thông tin phi tài chính cho các nhà đầu tư, cho thị trường và cho các cơ quan quản lý. Bên cạnh cam kết tiếp tục kiện toàn chính sách và quy chế quản trị nội bộ đảm bảo hiệu quả về chuyên môn, tập trung chất lượng và an toàn sản phẩm, nâng cao văn hóa Doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng thương hiệu Việt gắn kết cùng với thương hiệu Quốc gia.
Trong cơn khủng hoảng, trong bối cảnh không có tiền hoạt động, tiền vốn và tiền bán hàng bị ngân hàng siết chặt, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận mọi sự mất mát, mọi khó khăn trở ngại, cam kết nỗ lực hành động bù đắp cho khách hàng, cổ đông - Chủ tịch HĐQT Novaland trải lòng với cổ đông.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Novaland, ĐHĐCĐ thường niên hôm nay là một sự kiện rất đặc biệt đối với ông và đối với toàn bộ hệ thống trong Tập đoàn vì lần đầu tiên sau 30 năm hoạt động, Tập đoàn đã tiếp nhận được 60.000 cổ đông và đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đại chúng.
Kết thúc phần phát biểu, ông Bùi Thành Nhơn cũng gửi lời xin lỗi đến khách hàng, các nhà đầu tư, các đối tác, các nhà thầu, nhà cung cấp, nhân viên bị nghỉ việc và tất cả các bên hữu quan đã bị ảnh hưởng do sự cố của Tập đoàn.
“Chúng tôi sẵn sàng chịu mọi thiệt hại và luôn ý thức trách nhiệm của mình để thực hiện tới cùng các cam kết về tài chính, về sản phẩm đối với khách hàng, nhà đầu tư, các đối tác và xin cho chúng tôi thời gian. Chúng tôi rất mong được sự thông cảm chia sẻ của tất cả quý vị”, ông Nhơn nói và đồng thời khẳng định Công ty hoàn toàn tự tin sẽ lấy lại được nhịp độ phát triển và sẽ không phụ lòng tin của mọi người.