Cân đo với PTKT, nhược điểm của PTCB là gì?

Nhân ngày có bài chê bai dè bỉu PTKT, mình có góc nhìn trái ngược. Dù là, trong tư duy đầu tư của mình thì PTCB đâu đó chiếm trọng số trên 70-80% các quyết định, nhưng không vì vậy mà phủ nhận sự hữu dụng của PTKT, cũng như những hạn chế mà PTCB vẫn còn tồn tại. Khẳng định lại rằng, không có chén thánh nào trong đầu tư cả, không có phương pháp nào tốt/xấu chỉ có là bạn dùng chưa tới hoặc không phù hợp với tư duy của bạn mà thôi. Chẳng phải là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, cũng nhiều quỹ đi theo con đường đầu cơ, như PYN Elite vẫn là top performer tại TTVN , hay như Tundra AB., lại là quỹ tuyên bố đánh “game” nâng hạng trong bản cáo bạch của mình đấy thôi. Nếu PTCB là chén thánh và PTKT đáng vứt vào sọt rác, thì thế giới này nhìn vào một hướng cả rồi thưa các bạn.
tải xuống (1)
Phương pháp nào cũng có nhược điểm. Và dù luôn tâm niệm PTCB là kim chỉ nam trong đầu tư của mình, trong bài viết này cũng sẽ nêu một vài điểm trừ quan trọng.

Garbage In, Garbage Out

Trong quy trình hoàn chỉnh của một phương pháp bất kỳ, đều đi từ Dữ liệu đầu vào – Kỹ năng xử lý – và Đầu ra. Nếu Dữ liệu đầu vào – đối tượng nghiên cứu của PTKT là diễn biến Giá và Khối lượng, có thể coi là không cần suy nghĩ nhiều, thì Dữ liệu cho PTCB lại hoàn toàn khác. Số liệu BCTC, BCTN, các báo cáo tháng của DN, đâu đó chiếm không quá 30% (tạm ước lượng vậy) trong quy trình, chưa nói đến chuyện chất lượng các số liệu này chưa chắc là đủ tốt. Hiểu ngành nghề, tìm kiếm các số liệu “mất tiền và đáng giá” là những đầu vào tiếp theo, và đòi hỏi kinh nghiệm, sự nhạy cảm, khó có sách vở nào giải quyết được. Ai cũng muốn làm Warrant Buffet, nhưng Buffet ngồi được với doanh nghiệp, làm việc được cùng BLĐ, điều này đâu dễ với nhà đầu tư cá nhân. Ngay từ đầu đã không có vị thế tương đương, thì học 2 bước sau sẽ thành võ đoán.

Không có quy trình nào áp dụng được cho mọi loại doanh nghiệp.

Thấy cậu bạn chê PTKT có một chuỗi clip định giá đỉnh cao và chuyên nghiệp. Nhìn chung, định giá cũng chiếm 1 trọng số nhất định chứ không phải tất cả, và định giá chuyên nghiệp theo tác giả ý là phải Chiết khấu dòng tiền, phải kéo Excel. Chiết khấu dòng tiền, FCFF, FCFE… có nhiều hạt sạn hơn bạn nghĩ và nếu bạn tin rằng đây là đỉnh cao là chuyên nghiệp thì chắc bạn chưa làm tổ chức Buy-Side chuyên nghiệp nào cả. Ví dụ trong clip gần nhất hình như là VNM, một doanh nghiệp dễ đoán và ổn định. Thường thì DN ổn định và dễ kéo excel lại không hàm chứa cơ hội. Các phép định giá kiểu như vậy sẽ không áp dụng được với hầu hết các DN biến động mạnh như Hóa chất, Phân bón, Chứng khoán, Dầu khí,… và sẽ không đưa ra một quyết định đầu tư nào cả. Một bước tạo ra kết quả của định giá là giả định đầu vào. Và nếu bước xử lý dữ liệu mang tính Tài chính, thì bước giả định nằm ở tư duy kinh doanh, hiểu biết ngành nghề. Còn bốc thuốc tăng trưởng và kéo excel trên số liệu có sẵn, thì thực ra cũng không khác gì PTKT là mấy.

Để nói lên rằng, không có một quy trình chuẩn mực nào áp dụng được cho mọi loại hình doanh nghiệp, mọi case study. Nếu bạn đọc được ở đâu đó các khung xương chuẩn hóa của PTCB theo dạng, “các bộ chỉ số đánh giá tài chính Dn”, “bộ lọc Cơ bản tìm ra các siêu cổ phiếu”, hay “cách tìm ra doanh nghiệp thần kỳ” đại loại vậy, thì cái đấy mới là nên vứt vào sọt rác tin tôi đi. PTCB bất cứ DN nào cũng là 1 quy trình cụ thể và khác biệt với tất cả các DN khác.

Điểm yếu này thua kém khá nhiều PTKT. PTCB sẽ không trả lời 100% các cổ phiếu về việc nên mua hay bán, đa số sẽ nằm vào chỗ “Không đánh giá được”. Còn PTKT thì khác. Tất nhiên chưa ai bàn thêm về chất lượng đánh giá.

PTKT easy play hard pro. PTCB khó cả đôi.

PTCB đi sau PTKT về độ nhạy.

Nhìn chung là vậy. Bản thân PTCB không phải là nghiên cứu, định giá, và chờ đợi giá về với giá trị thật. Đó không phải là đầu tư dài hạn. Doanh nghiệp thay đổi từng ngày, tin tức có liên quan cũng vậy và PTCB cũng cần đi sát với các biến động của DN. Tuy nhiên, mức độ nắm bắt thông tin của bạn ở mức độ nào là vấn đề quan trọng. Thậm chí ý mình còn chưa nhắc đến tin mật, nội gián. Nhưng luồng thông tin của bạn đang ở đầu-giữa- hay cuối chuỗi mắt xích, sẽ quyết định đến chất lượng quyết định theo PTCB. Với nhà đầu tư cá nhân, việc theo đuổi lợi thế này với nhà đầu tư chuyên nghiệp là điều gì đó không thể tính trên bình diện toàn bộ thị trường. Trong khi PTKT thì lại khá công bằng cho tất cả mọi người, quan trọng là bạn giỏi hay không thôi. PTCB có giỏi về trình độ cũng chưa chắc đã giải quyết được hết vấn đề.

Ở điểm này. PTKT nói đúng. Giá và khối lượng hầu hết đã phản ánh các thông tin quan trọng của doanh nghiệp, nên diễn biến trên đồ thị đã bao hàm các ảnh hưởng của thông tin dù nó chưa ra. Và đồ thị là thứ trực tiếp nhất dẫn bạn đến nguyên do các biến động. Trong khi với PTCB, giải được bài toàn “đã price-in hay chưa” đã là một vấn đề khó xử lý.

Tạm tóm gọn những gì vừa liệt kê (chắc là còn nhiều). Tính chung lại, PTKT chỉ yêu cầu bạn nghiên cứu đủ sâu, một chút sự nhạy cảm, đi cùng kỷ luật giao dịch, bạn có xác suất thành công cao. Nhưng PTCB đòi hỏi rất rất nhiều thứ hơn thế, chịu ảnh hưởng nhiều bởi các nhiễu động thông tin bên ngoài.

Nghiên cứu không đến và thất bại sau đó làm cho bạn mất niềm tin. Nhưng sự thật thì không có chén thánh nào và cũng không có gì vứt vào sọt rác. Phương pháp phù hợp nhất với mỗi người sẽ là phương pháp mang tên chính bạn – cá nhân hóa.
tải xuống

41 Likes