Index | Close | % |
---|---|---|
Dow Jones | 34,366.67 | +0.30% |
Dầu WTI | 84.05 | -2.10% |
Vàng | 1,843.41 | +0.47% |
Tỷ giá | 22,685 | +0.27% |
Thông tin vĩ mô
- Giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng trong dịp cận Tết Nguyên đán. Với giá lợn tăng trong những ngày gần đây, các hộ chăn nuôi rất phấn khởi bởi năm nay giá lợn hầu như ở mức rất thấp, có thời điểm thua lỗ bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao. Khoảng 10 ngày gần đây, giá lợn hơi trên thị trường cả nước đều có xu hướng tăng 5.000-7.000 đồng/kg do nhu cầu thực phẩm gần Tết Nguyên đán tăng cao. Theo nhận định của các chuyên gia chăn nuôi, nếu giá lợn hơi còn tăng cũng sẽ không nhiều, sẽ không có đột biến về giá bởi nguồn cung tốt. Hiện, cả nước có khoảng 28 triệu con lợn; trong đó, đàn lợn thịt cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đặc biệt 16 doanh nghiệp lớn vẫn duy trì khoảng 6,5 triệu con lợn thịt, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước.
- Giá than tại Trung Quốc, Australia, Nga, Nam Phi đồng loạt tăng. Giá than nhiệt loại 5.500 kcal/kg tại Trung Quốc ngày 24/1 ở mức 1.085 nhân dân tệ/tấn (171,4 USD/tấn), tăng 32% kể từ đầu năm tới nay. Tại Nga, giá than tại cảng Vostochny cuối tuần trước là 233 USD/tấn, tăng 50,3% kể từ giữa tháng 11. Giá than tăng sau khi Indonesia – nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới – đã đình chỉ bán mặt hàng này trong tháng 1 vì mức tồn kho nhiên liệu tại các nhà máy điện trong nước ở mức thấp nguy hiểm. Sau đó, Indonesia đã nới lỏng lệnh đối với 139 công ty sau khi đáp ứng các yêu cầu bán hàng tại thị trường nội địa. Những động thái của Indonesia khiến xuất khẩu than của quốc gia Đông Nam Á giảm rõ rệt. Theo số liệu của Kpler, trong tháng 1, Indonesia bán 17,7 triệu tấn, giảm 43% so với tháng 12/2021 và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017.
- Hơn 60 triệu tấn hàng hóa qua cảng biển Việt Nam trong tháng đầu năm. Khối lượng hàng hóa chưa tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đợt cao điểm nhập khẩu ở các nước phương Tây đã qua. Theo dự báo, năm nay thị trưởng vận tải biển sẽ trở nên sôi động hơn. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong tháng 1, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt hơn 60 triệu tấn, giảm nhẹ 2% cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng hàng container ước đạt 2 triệu TEU. Nếu đầu năm 2020, đơn đặt đóng mới tàu container chỉ chiếm 8,5% sức chở đội tàu hiện có thì hiện, con số này chiếm đến 23-24%. Theo thống kê của Alphaliner, số lượng tàu đóng mới sức chở 8.000-24.000 TEU chiếm tới gần 22%, nghĩa là 1/4 số tàu đóng mới đã từ 8.000 TEU trở lên
- Trung Quốc thặng dư thương mại khổng lồ, giúp đồng nhân dân tệ mạnh lên rõ rệt. Trung Quốc báo cáo dòng tiền vào bằng ngoại hối mạnh mẽ trong năm ngoái nhờ thặng dư thương mại kỷ lục và tỷ suất lợi nhuận cao của chứng khoán đại lục. Nhờ vậy đà tăng của đồng nhân dân tệ được củng cố. Thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc – thước đo lưu lượng hàng hóa, dịch vụ bao quát nhất – lên đến 224,2 tỷ USD năm ngoái, mức cao nhất kể từ 2013. Thặng dư tài khoản vốn đạt 83,2 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi thống kê bắt đầu năm 2010, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc. Thặng dư tăng cao giúp đồng nhân dân tệ đi lên 2,7% so với đồng USD vào năm ngoái, nối dài đà tăng 6,7% trong 2020. Đồng nhân dân tệ hải ngoại đang hướng tới mức 6,33 đổi 1 USD, mức xuất hiện lần cuối vào tháng 12 năm ngoái khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tăng tỷ lệ dự trữ với tiền gửi ngoại tệ để cản đà tiến. Thặng dư thương mại lập kỷ lục 676 tỷ USD vào năm ngoái, nhờ nhu cầu lớn của thế giới đối với hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời, sự sụt giảm của các chuyến đi ra nước ngoài đã hạn chế thâm hụt trong thương mại dịch vụ.
- Lực bắt đáy xuất hiện cuối phiên, Phố Wall đảo chiều tăng điểm. Căng thẳng địa chính trị có xu hướng tăng khi NATO thông báo đặt lực lượng trong tình huống sẵn sàng với một cuộc đụng độ quân sự tiềm ẩn giữa Nga và Ukraine. Fed tuần này họp chính sách tiền tệ trong hai ngày 25 – 26/1. Thị trường chờ đợi thông báo sau cuộc họp cùng cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell để tìm kiếm thông tin liên quan kịch bản tăng lãi suất nhằm ứng phó lạm phát. Mùa báo cáo lợi nhuận quý IV/2021 đang vào guồng với 65 công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, 77% số này vượt kỳ vọng, theo Refinitiv. Giới phân tích ước tính tăng trưởng EPS hàng năm của S&P 500 là 23,7%.
Tin doanh nghiệp
- SJS: Sudico (SJS): Năm 2021 ước lãi 87 tỷ đồng, đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 72,4% lên 150 tỷ đồng
- TNH: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH): Vanessa Frey trở thành cổ đông lớn. Quý IV/2021, lợi nhuận tăng 11,7% lên 32,06 tỷ đồng
- HAH: Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH): Tổ chức liên quan lãnh đạo đăng ký bán toàn bộ 500.000 cổ phiếu
- CII: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII): Một lãnh đạo kịp bán ra toàn bộ trước khi cổ phiếu lao dốc
- VCR: Vinaconex ITC (VCR): Năm 2021 tiếp tục ghi nhận lỗ thêm 7,11 tỷ đồng
- VEF: Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF): Quý IV/2021, lợi nhuận tăng 104,7% nhờ lãi tiền gửi và cho vay
- NHA: Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (NHA): Quý IV/2021, lợi nhuận giảm do hụt doanh thu lĩnh vực bất động sản
- TCB: Năm 2021, Techcombank dẫn đầu toàn ngành ngân hàng về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn
- NKG: Thép Nam Kim trích lập dự phòng hàng tồn kho 420 tỷ đồng cho quý IV/2021
- DGW: Digiworld lãi kỷ lục trong quý IV nhờ cải thiện biên lợi nhuận từ laptop, tablet
- MCM: Mộc Châu Milk có hơn 1.700 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, chiếm 70% tổng tài sản
- BHN: Habeco chốt quyền trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 23,8%
Diễn biến thị trường Phiên 24.01.2022
- TTCK Việt Nam giảm điểm tương đồng với diễn biến thị trường chứng khoán thế giới sau khi Goldman Sachs cho biết Fed có thể tăng 4 lần lãi suất trong năm 2022 kể từ tháng 3.
- JPMorgan dự báo giá của dầu thô sẽ tăng vọt lên 150 USD/thùng ngay trong quý I/2022, cổ phiếu ngành dầu khí tăng ở BSR (+0.4%).
- Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, khối lượng hàng hóa trong tháng đầu năm 2022 chưa ghi nhận sự tăng trưởng mạnh là do đợt cao điểm nhập khẩu hàng hóa dịp Lễ của Mỹ, châu Âu mới kết thúc nên thị trường vận tải biển có phần chững lại, cổ phiếu ngành logistics giảm ở HAH (-6.1%), GMD (-2.6%).
- SinoSteel Futures cho biết giá thép Trung Quốc giảm nhẹ do nhu cầu ngắn hạn đối với các nguyên liệu sản xuất thép đang chịu áp lực do Thế vận hội mùa Đông và các hạn chế liên quan đến đại dịch, cổ phiếu ngành thép giảm ở HPG (-6%), NKG (-6.9%).
Quan điểm kỹ thuật Phiên 24.01.2022
- VNIndex trải qua một nhịp lao dốc mạnh với biên độ mở rộng về cuối phiên.
- Áp lực phân phối khá mạnh tại vùng giá thấp, được thể hiện qua việc thanh khoản tăng cao trong những nhịp sụt giảm, cho thấy rủi ro tiếp tục mở rộng nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, chỉ số có một vùng hỗ trợ mạnh tại quanh 1405 (±10) và đây được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý, mang lại cơ hội xuất hiện nhịp hồi phục với mức độ ổn định cao hơn nhịp vừa qua cho VNIndex.
- Sau khi bán hạ tỷ trọng ngắn hạn trong nhịp hồi phục, NĐT được khuyến nghị có thể kê mua trở lại ở các vùng giá thấp khi chỉ số lùi xuống điểm đỡ đã đề cập
Dự báo phiên giao dịch hôm nay
- Với áp lực bán của khối nội rút tiền trước tết và áp lực bán của khối ngoại thì khả năng hôm nay VNINDEX vẫn còn 1 nhịp giảm điểm về quanh vùng 1400 điểm
- Kỳ vọng VNINDEX có thể tạo đáy thứ 2 quanh 1400 với lực cầu bắt đáy giá thấp ở những nhóm cổ phiếu mạnh có khả năng dẫn sóng trong năm 2022
- Nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ là lực nâng đỡ cho Thị trường trong giai đoạn hiện tại
- NĐT ưu tiên quản trị rủi ro tránh tình trạng full margin trước các kỳ nghỉ lễ dài