Sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới kéo theo nhu cầu tiêu thụ khí đốt, xăng dầu tăng đột biến để phục vụ cho các hoạt động giao thương vốn đã bị gián đoạn nhiều tháng trời. Thêm vào đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra là cú đánh trực diện vào nguồn cung cấp dầu khí vốn đã khan hiếm.
Trong một báo cáo công bố gần đây, nâng dự báo giá dầu thô Brent bình quân năm 2022 thêm 20% từ 70 USD/thùng lên 85 USD/thùng, phản ánh lo ngại về sự chênh lệch giữa cung - cầu trong ngành dầu khí thời gian tới. Thực tế, sau khi Nga tiến quân vào biên giới Ukraine vào cuối tháng 2, giá dầu Brent có thời điểm nhảy vọt lên 147,5 USD/thùng, qua đó thiết lập giá trung bình quý I ở mức 97 USD/thùng, cao hơn gần 60% giá trị cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức cao nhất trong 14 năm qua.
Biến động mạnh mẽ của giá dầu thô đã tạo thuận lợi cho hoạt động thăm dò, khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Tập đoàn này khép lại quý I/2022 với sản lượng thai khác đạt 2,74 triệu tấn, vượt 25% kế hoạch quý và thực hiện 31% kế hoạch năm. Đây là tiền đề giúp tổng doanh thu của Petrovietnam ước đạt 197.120 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước, vượt đến 46% kế hoạch quý; nộp ngân sách ước đạt 29.310 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ và vượt 63% kế hoạch theo quý, đóng góp khoảng 7,7% tổng thu ngân sách nhà nước quý này.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh tích cực của Petrovietnam gần như thể hiện toàn bộ những gì xảy ra đối với ngành dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động của từng lĩnh vực, sẽ không tránh khỏi sự phân hóa về kết quả kinh doanh giữa từng đơn vị thành viên thuộc nhóm thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn, song đa số đều chứng kiến sự tăng trưởng tích cực.