'Con sóng thần' cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ bao giờ kết thúc?

Trong khoảng thời gian 4 tháng qua, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam có sự luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành nhưng tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thay vì nhóm vốn hóa lớn như ở thời gian trước đó.

Chỉ tính riêng sàn HoSE, giá trị giao dịch trong nhóm VNMID và VNSML (đại diện nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ) trong khoảng nửa tháng gần đây đều duy trì ở mức trên 50% so với tổng giá trị giao dịch sàn HoSE. Trong khi đó, tỷ lệ này của nhóm VN30 (đại diện cho các nhóm vốn hóa lớn) chỉ chiếm dưới 40%.

Không chỉ thanh khoản tăng mạnh, chỉ số VNMID và VNSML cũng có sự tăng trưởng vượt bậc hơn so với VN30. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, chỉ số VNMID đã tăng 21,7% và liên tục đi tìm đỉnh mới. Tương tự, chỉ số VNSML cũng tăng 24,4%. Trong khi đó, cùng khoảng thời gian trên, chỉ số VN30 chỉ tăng 5,1%.

Bên cạnh đó, dòng tiền lớn không chỉ dừng lại ở các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ở sàn HoSE mà còn tìm đến nhiều cổ phiếu tại sàn HNX và UPCoM với đặc thù biên độ cao hơn. Đáng kể nhất là ở phiên 12/11, sàn UPCoM ghi nhận số mã tăng trần cao kỷ lục với 127 mã.

Chỉ tính riêng trong tuần giao dịch từ 8-12/11, sàn UPCoM ghi nhận hơn 50 cổ phiếu tăng giá trên 20%. Trong đó có rất nhiều cổ phiếu ghi nhận thanh khoản tăng vọt như L12 của Licogi 12, CMT của Công nghệ mạng và Truyền thông, TL4 của Xây dựng Thủy lợi 4, XMC của Bê tông Xuân Mai

Tính xa hơn, rất nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã có mức tăng tính bằng lần như SDA của Simco Sông Đà. Giá cổ phiếu SDA đã lên gấp đôi chỉ sau 10 phiên giao dịch từ mức 30.000 đồng/cp lên 64.500 đồng/cp. Tính xa hơn và trong khoảng 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu SDA đã lên gấp 14 lần. Cùng với đó, từ một cổ phiếu gần như không có thanh khoản, hiện khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của SDA nâng lên mức hàng trăm nghìn đơn vị.

Tương tự là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng, gấp 2,3 lần thời điểm đầu tháng 10 và liên tục đi tìm đỉnh mới. Chốt phiên 12/11, DIG đạt 70.900 đồng/cp. Đà tăng sốc này đã giúp vốn hóa của DIG lọt vào top 50 toàn thị trường chứng khoán với 40.760 tỷ đồng.

Rủi ro ngắn và trung hạn như tính đầu cơ cao đi kèm nền tảng yếu ở rất nhiều doanh nghiệp đang niêm yết. Thị trường đi lên nhanh và mạnh thì sẽ có nhưng cuộc điều chỉnh ngắn vừa phải để làm cân bằng và tạo tính bền vững hơn. Về mặt định giá P/E của thị trường hiện tại vẫn đang ở mức quanh 17.x lần và sẽ rẻ hơn cho năm 2022 khi EPS tăng tốt nhờ sự phục hồi của nền kinh tế. Điều này giúp cho triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán vẫn sáng.